Hormone tăng trưởng tác động thế nào đến chiều cao?
Một thân hình cao lớn, khỏe mạnh mà không cần tốn nhiều công sức luyện tập là mong ước của nhiều bạn trẻ. Vì thế, nhiều người đã tìm đến giải pháp dùng hormone tăng trưởng cho mục đích cải thiện chiều cao của mình. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này đó là hormone tăng trưởng chiều cao có ảnh hưởng thế nào đến cơ thể? Bài viết sau đây của Ketnoiyeuthuong sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này
Hormone tăng trưởng là gì?
Theo PGS.TS Hoàng Kiệm – giảng viên Khoa Nội (Học viện Quân y) cho biết, Growth hormone (GH), còn được gọi là somatotropic hormone (SH), hay somatotropin là một protein có kích thước nhỏ với 191 gốc acid amin, tạo thành chuỗi đơn có khối lượng phân tử 22,005, do thùy trước tuyến yên tiết ra.
Hormone tăng trưởng được giải phóng vào máu từng đợt trong suốt cả ngày, nhưng trong khoảng thời gian từ 23h – 1h sáng lượng hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất, cao gấp 4 lần so với ban ngày.
Quá trình bài tiết hormone tăng trưởng được cơ thể tự điều hòa phù hợp với giai đoạn phát triển của cơ thể từ tuổi sơ sinh cho đến dậy thì. Nồng độ trung bình của GH trong máu sau tuổi dậy thì khoảng 3 millimicrogam /ml và ở trẻ em là 5 millimicrogam/ml.
Có thể thấy, hormone tăng trưởng ảnh hưởng trực tiếp đến các mô bào trong cơ thể cũng như ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình trao đổi chất như: tăng cường tổng hợp protein của các tế bào, tăng quá trình phân giải mô mỡ giải phóng năng lượng, giảm sử dụng đường, bên cạnh đó còn giúp điều hòa sản sinh hồng cầu, tăng khối lượng cơ bắp.
Vai trò của hormone tăng trưởng với chiều cao?
Tên gọi hormone tăng trưởng được xác định dựa vào vai trò của nó trong việc thúc đẩy quá trình tăng chiều cao của trẻ em. Trong suốt thời kỳ ấu thơ cho đến tuổi thanh thiếu niên, hormone tăng trưởng đóng một chức năng quan trọng là giúp chúng ta phát triển cao và cứng cáp hơn.
Ở người trưởng thành, hormone này góp phần vào việc việc kích thích tăng trưởng và tăng cường sức mạnh thể chất. Mặc dù, không thể phát triển chiều cao ở người trưởng thành nhưng loại hormone này lại giúp phát triển khối cơ và sức mạnh của xương.
Thực tế, hormone tăng trưởng chiều cao không trực tiếp tác động lên xương và sụn mà kích thích gan sản xuất một số protein có kích thước nhỏ có tên là IGF-1. Yếu tố tăng trưởng giống insulin này sẽ đi tới hệ xương, sụn, cơ để kích thích các cơ quan này tăng sinh, gia tăng tỷ lệ tái tạo xương tổng thể, giúp xương chắc khỏe hơn, các đầu xương dài hơn. Ngoài ra, hormone tăng trưởng còn hỗ trợ quá trình trao đổi chất, tăng cường tổng hợp protein ở tất cả tế bào, làm tăng khối lượng cơ, từ đó cơ thể lớn lên.
Thiếu hụt hormone tăng trưởng chiều cao gây ra hiện tượng gì?
Khi thiếu hormone tăng trưởng trẻ thường có những biểu hiện như hạn chế phát triển chiều cao, thấp bé hơn so với bạn bè cùng tuổi. Hệ xương của trẻ không được chắc khỏe, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển chiều cao cũng như khiến xương dễ gãy hơn.
TS. BS. Trần Quang Khánh, Trưởng Khoa Nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, nếu trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì trẻ có thể đạt được mức chiều cao chuẩn khi trưởng thành theo di truyền của từng trẻ.
Cách kích thích cơ thể sản sinh nhiều hormone tăng trưởng chiều cao
Nhận thấy được tầm quan trọng của hormone tăng trưởng đối với chiều cao nên việc tìm hiểu làm thế nào để tăng hormone tăng trưởng một cách tự nhiên luôn được nhiều người quan tâm.
Những thói quen được liệt kê dưới đây, có thể góp phần tăng cường sức khỏe tổng thể và mang lợi ích trong việc tăng sản xuất hormone tăng trưởng một cách tự nhiên mà phụ huynh có thể tham khảo.
Vận động
Thường xuyên vận động thể thao là một trong những cách giúp kích thích hormone tăng trưởng tiết ra tự nhiên, đặc biệt đối với trẻ đang trong giai đoạn dậy thì.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ luyện tập thể dục thể thao sẽ kích hoạt các dây thần kinh hoạt động, tăng tuần hoàn máu cơ thể. Tuy nhiên, để đạt được độ tăng trưởng cao của hormone tăng trưởng trẻ cần dành ít nhất 30 phút tập thể dục ở cường độ cao. Theo đó, 3 buổi tập thể dục mỗi ngày sẽ dẫn đến lượng hormone tăng trưởng tiết ra lớn nhất sau 24h.
Cần lưu ý, trong thời gian luyện tập thể dục thể thao trẻ cần phải uống thật nhiều nước. Bởi vì khi luyện tập thể dục, cơ thể sẽ có nguy cơ bị mất nước, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình tiết ra hormone tăng trưởng đấy.
Giấc ngủ
Hormone tăng trưởng hoạt động mạnh mẽ nhất khi trẻ rơi vào giấc ngủ sâu ban đêm. Nếu trẻ ngủ không đủ giấc hoặc giấc ngủ không sâu thì đồng nghĩa với việc lượng hormone tăng trưởng tiết ra sẽ giảm đáng kể, ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao.
Điều quan trọng cho giấc ngủ tốt và giúp trẻ tiết ra hormone tăng trưởng tối đa là một căn phòng với ánh sáng dịu nhẹ, dụ dỗ trẻ dễ đi vào giấc ngủ sâu. Hơn nữa, ngủ đủ giấc cũng là điều cần thiết mà các nhà khoa học đều khuyên trẻ nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
Giảm stress
Khi cơ thể ở trạng thái cân bằng và không bị bất kỳ áp lực nào, tuyến yên sẽ kích thích tiết ra lượng hormone tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, khi bị căng thẳng, stress mãn tính, não bộ sẽ tạo ra một loại hormone kích thích tuyến thượng thận thay vì hormone tăng trưởng, điều này ảnh hưởng xấu tới hệ miễn dịch, đường tiêu hóa, quá trình trao đổi chất và các hormone trong cơ thể, đặc biệt là các hormone tăng trưởng.
Ăn ít đồ ngọt
Để hormone tăng trưởng phát triển tối ưu, trẻ nên tránh xa các thực phẩm như bánh kẹo ngọt, nước ngọt…. Việc tiêu thụ các thực phẩm có lượng đường cao sẽ khiến cơ thể tăng đường huyết, điều này khiến hormone tăng trưởng tiết ra ít hơn.
Cải thiện dinh dưỡng
Những thực phẩm bạn tiêu thụ hằng ngày sẽ có ảnh hưởng tới hormone tăng trưởng của cơ thể. Chính vì vậy, cần xây dựng dinh dưỡng hợp lý, cung cấp cho cơ thể đủ 4 nhóm chất sau đây trong thực đơn hằng ngày:
- Tinh bột chiếm 60 – 65% tổng thực phẩm tiêu thụ. Nên ăn đa dạng các loại tinh bột như gạo lứt, gạo trắng, ngô, khoai, sắn…
- Chất đạm chiếm 10 – 15% tổng thực phẩm tiêu thụ. Các thực phẩm chứa nhiều đạm như: thịt, hải sản, trứng, sữa, các loại hạt…
- Chất béo chiếm 20 – 25% tổng thực phẩm tiêu thụ. Các thực phẩm chứa chất béo là mỡ động vật, dầu thực vật…
- Vitamin và các khoáng chất có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây, củ quả…
Kiểm soát trọng lượng cơ thể
“Lượng mỡ bụng có liên quan trực tiếp đến việc sản xuất hormone tăng trưởng. Theo nghiên cứu, những người có lượng mỡ bụng cao hơn có khả năng bị suy giảm sản xuất hGH và tăng nguy cơ mắc bệnh.” – Theo Lamsaodecao
Hormone tăng trưởng chiều cao ngừng sản sinh khi nào?
Hàm lượng hormone tăng trưởng có chiều hướng tăng dần trong giai đoạn tiền dậy thì và phát triển đỉnh điểm vào giai đoạn dậy thì, sau đó thì sẽ có dấu hiệu chững lại. Trung bình mỗi ngày lượng hormone tăng trưởng được phóng thích vào khoảng 3 – 5 millimicrogam/ml.
Từ sau 20 tuổi trở đi hormone này sẽ suy giảm dần. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, khi lớn tuổi chúng ta dành ít thời gian cho giấc ngủ sâu, nên cơ thể tiết ra hormone tăng trưởng thấp cũng là điều dễ hiểu.
Có thể bổ sung hormone tăng trưởng bằng đường uống không?
Rất nhiều phụ huynh thấy con thấp lùn nên nghĩ rằng con đang thiếu hụt và bắt đầu tìm kiếm các sản phẩm chứa hormone tăng trưởng cho con sử dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia về sức khỏe nhận định rằng việc lựa chọn các sản phẩm được quảng cáo là bổ sung hormone tăng trưởng trực tiếp bằng đường uống là hoàn toàn phản khoa học.
Bởi hormone tăng trưởng có bản chất là protein, được tiêm trực tiếp vào mạch máu sử dụng điều trị cho trẻ nhỏ trước tuổi dậy thì. Nếu bổ sung hormone tăng trưởng bằng đường uống thì chúng sẽ bị dịch tiêu hóa như pepsin, trypsin phân hủy, đào thải ra ngoài nên hoàn toàn không còn tác dụng gì nữa. Nếu phụ huynh không thực sự tỉnh táo, tin theo những thông tin vô căn cứ, kết quả nhận được không chỉ có tiền mất mà sức khỏe của trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Cách duy nhất để đưa vào cơ thể người là thực hiện tiêm vào tĩnh mạch nhưng chỉ có tác dụng cho trẻ dưới độ tuổi dậy thì (dưới 12 tuổi), tốt nhất là từ 3 – 7 tuổi, được chỉ định cho những đối tượng được xác định là thiếu hormone tăng trưởng thông qua quá trình xét nghiệm nồng độ GH trong máu. Tuy nhiên, việc này phải có sự giám sát nghiêm ngặt của các bác sĩ chuyên khoa. Hơn nữa, chi phí cho việc điều trị bổ sung hormone tăng trưởng không hề rẻ – một liệu trình lên đến 100.000USD và chỉ có thể hỗ trợ chiều cao phát triển ở một giới hạn rất nhỏ.
Sau độ tuổi dậy thì, nếu tiêm GH, cơ thể sẽ xảy ra nhiều phản ứng nguy hiểm, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.
Mặt khác, người bổ sung GH có nguy cơ đối diện với các tác dụng phụ như: Cơ thể bị tích nước, các đầu ngón chân và ngón tay bị sưng phù, hội chứng ống cổ tay, sưng to vú (nam) nhức đầu, đầy bụng, sưng đau xương khớp…. Bên cạnh đó, việc tiêm hormone tăng trưởng tăng chiều cao trong thời gian dài có thể để lại biến chứng nghiêm trọng như bệnh đái tháo đường, các chi bị sưng to lên, bệnh tim mạch, hình thành các khối u ác tính, đau nhức đầu dữ dội….