Thực hư cách tăng chiều cao cho người trên 30 tuổi?
Tăng chiều cao cho người trên 30 tuổi có thật hay không? Đây ắt hẳn là thông tin đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là những người trưởng thành có chiều cao khiêm tốn. Bài viết sau đây của Kết nối yêu thương sẽ giải đáp cụ thể vấn đề này và hướng dẫn bạn một số mẹo để có được chiều cao nổi bật hơn so với thực tế.
Trên 30 tuổi có tăng chiều cao được không?
Ở độ tuổi 30, chiều cao không thể tăng thêm được nữa do sụn tăng trưởng ở 2 đầu xương đã đóng lại, xương không còn dài ra nữa. Do đó, nếu bạn đang nuôi kỳ vọng tăng chiều cao tự nhiên ở độ tuổi này thì rất tiếc là không thể.
Chiều cao phát triển ngay từ trong giai đoạn bào thai. Nếu được bổ sung dinh dưỡng khoa học và mẹ bầu có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, chiều dài của em bé sơ sinh có thể đạt 50cm khi chào đời. Sau đó, 3 năm đầu đời cũng là giai đoạn chiều cao tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 25cm trong năm đầu tiên, 10cm/năm trong 2 năm tiếp theo.
Dậy thì (10-18 tuổi) là thời kỳ chiều cao phát triển nhanh cuối cùng. Có 1-2 năm bất kỳ trong giai đoạn dậy thì, chiều cao có thể phát triển đến 12cm/năm. Tuy nhiên, khi quá trình dậy thì kết thúc, chiều cao tăng trưởng rất chậm và ngừng hẳn trong khoảng từ 18-20 tuổi.
Do đó, ở độ tuổi 30, nỗ lực để tăng chiều cao tự nhiên là vô nghĩa. Lúc này, chỉ có phẫu thuật kéo dài chân mới giúp bạn cải thiện chiều cao đáng kể. Tuy nhiên, đây không phải là cách tăng chiều cao được khuyến khích.
Chiều cao thay đổi thế nào khi đến tuổi 30?
Nếu trong 20 năm đầu đời, chiều cao tăng trưởng liên tục thì từ tuổi 20 đến tuổi 30, chiều cao sẽ giữ ở mức ổn định. Một số người vẫn cao thêm sau 20 tuổi nhưng cao không đáng kể. Cho đến khoảng tuổi 40, quá trình lão hóa rõ rệt hơn, chiều cao sẽ có xu hướng giảm dần.
Nguyên nhân của điều này là do ảnh hưởng của tuổi tác. Chiều dài của cột sống có xu hướng giảm dần. Khi già đi, chất lỏng ở các đĩa đệm dần dần bị cạn kiệt, các đĩa đệm cột sống trở nên mỏng hơn, các đốt sống có xu hướng xích lại gần nhau hơn. Do đó, chiều cao giảm đi. Mặt khác, sự hao hụt chất lỏng ở cột sống cũng khiến lưng cứng và không còn linh hoạt khi về già.
30 tuổi có nên phẫu thuật tăng chiều cao không?
Phẫu thuật kéo dài chân là cách duy nhất để tăng chiều cao ở người trưởng thành. Tuy nhiên, các bạn cần cân nhắc nếu muốn tăng chiều cao bằng cách này. Hãy cùng nhau tìm hiểu quá trình thực hiện kéo dài chân:
- Tiến hành phẫu thuật cắt đôi xương ở chân, lắp đặt đinh trong ống tủy xương và bộ thiết bị chuyên dụng để kéo dài xương
- Bác sĩ sẽ thực hiện và hướng dẫn người bệnh cách điều chỉnh thiết bị để kéo giãn xương chân hằng ngày với tốc độ khoảng 1mm/ngày. Muốn tăng thêm 1cm cần mất khoảng 10 ngày.
- Tiến hành tháo bỏ đinh và thiết bị hỗ trợ sau khi đạt chiều cao mong muốn
- Bắt đầu quá trình tập luyện vật lý trị liệu để phục hồi khả năng vận động
Quá trình phẫu thuật kéo dài chân từ khi bắt đầu đến khi bạn có thể đi lại cơ bản sẽ mất khoảng 8-12 tháng tùy khả năng phục hồi của mỗi người.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế quá trình phẫu thuật và phục hồi sau phẫu thuật kéo dài chân đòi hỏi sự can đảm và liều lĩnh. Một số biến chứng có thể gặp phải khi phẫu thuật tăng chiều cao sẽ khiến bạn phải cân nhắc lại việc thực hiện cách tăng chiều cao này:
- Đau đớn là khó tránh khỏi khi kéo dài xương. Việc cắt xương, lắp đặt các thiết bị rồi lại phẫu thuật lấy các thiết bị hỗ trợ ra có thể khiến những người can đảm cảm thấy dè chừng. Bạn sẽ phải mang khung cố định và nằm tại chỗ trong nhiều tháng liền, cần có sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày. Quá trình dùng thuốc giảm đau kéo dài nhiều ngày có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho sức khỏe.
- Bạn có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng tại vị trí lắp đặt khung kéo giãn xương, làm viêm tủy xương, tổn thương mạch máu và dẫn đến hoại tử.
- Một số trường hợp tốc độ tăng trưởng của xương diễn ra quá nhanh, hệ thần kinh và mạch máu ở chân không phát triển theo kịp, bị tổn thương, máu lưu thông không đều. Thậm chí có thể làm chân bị hoại tử. Cách xử lý tối ưu nhất trong trường hợp này là cưa chân. Tỉ lệ xảy ra biến chứng này ước tính khoảng 3-5%, không quá cao nhưng cần cẩn trọng.
- Sau phẫu thuật, các cơ và dây thần kinh bị kéo rời, gây ra tình trạng căng cơ, chuột rút, khớp không thể di chuyển linh hoạt, gây cản trở nhiều hoạt động trong cuộc sống.
- Quá trình phẫu thuật kéo dài chân sẽ để lại một số vết thương sâu, sẹo lớn trên cả 2 chân. Các sẹo này hầu như không thể khắc phục hoàn toàn và sẽ theo bạn cho đến hết đời.
- Không ít người bị chân dài chân ngắn khi phẫu thuật kéo dài chân do tốc độ tăng trưởng 2 bên xương không cân bằng.
- Kéo dài chân chỉ làm tăng chiều dài cho đôi chân của bạn, lưng và tay không thay đổi. Điều này làm cơ thể bị mất cân đối.
- Việc vận động mạnh, tham gia các môn thể thao cường độ cao sau phẫu thuật kéo dài chân tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể gây khó chịu.
Các mẹo giúp bạn trong cao hơn so với thực tế
Một vài mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn trông cao ráo và tự tin hơn với ngoại hình của mình.
Thay đổi tư thế đi đứng
Tư thế đứng không phù hợp khiến bạn trông thấp hơn so với thực tế. Những người có thói quen cúi người về trước hoặc ngửa ra sau quá nhiều khi đi lâu ngày làm cột sống bị cong, dáng người không còn sự thanh thoát và chiều cao cũng giảm đi khoảng vài cm so với thực tế.
Để trông cao ráo hơn, hãy cố gắng giữ đầu, cổ, lưng và mông nằm trên một đường thẳng khi đi. Điều này giúp lưng và cột sống thẳng, bạn cũng cao ráo hơn đáng kể so với khi cúi hoặc ngửa người quá nhiều.
Cách ăn mặc giúp bạn cao hơn
Biết cách lựa chọn trang phục và phối đồ sẽ giúp bạn cao hơn. Nếu chưa tự tin về chiều cao, hãy ưu tiên các item sau đây khi lựa chọn trang phục:
- Lựa chọn trang phục đơn sắc
- Hạn chế mặc những loại quần cạp trễ
- Họa tiết sọc dọc là lựa chọn tối ưu cho người thấp bé
- Tránh các loại thắt lưng bản to, kiểu dáng hầm hố
- Quần cạp cao và áo crop top có thể hô biến chiều cao nhanh chóng
- Luôn mặc giày cao gót hoặc đế độn giúp bạn cao lên trong vòng một nốt nhạc
Tìm hiểu thêm: Có nên phẫu thuật kéo dài chân hay không?
Chú ý vấn đề xương khớp khi đến tuổi 30
Thực tế cơ thể chúng ta đã bắt đầu quá trình lão hóa từ tuổi 30 trở đi nhưng khó nhận biết vì các dấu hiệu lão hóa chưa thực sự rõ ràng. Sự suy giảm chiều cao cũng bắt đầu manh nha từ độ tuổi này khi chất lỏng nằm ở giữa các đốt sống đang khô dần đi. Bằng cách chú ý các vấn đề xương khớp từ tuổi 30 sẽ giúp bạn duy trì hiện tại chiều cao của mình lâu nhất có thể. Một số nguyên tắc quan trọng trong quá trình chăm sóc hệ xương khớp khi đến tuổi 30 như sau:
- Có chế độ ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu Canxi, vitamin D, kẽm, magie để duy trì mật độ xương, hệ xương chắc khỏe
- Vận động thể dục thể thao hằng ngày để rèn luyện sức bền và khả năng chịu lực của hệ xương khớp
- Tránh ăn kiêng quá đà, bỏ bữa thường xuyên
- Uống bổ sung thêm các sản phẩm thực phẩm chức năng có lợi cho xương, giúp hệ xương khỏe mạnh và cải thiện sức khỏe tổng thể
- Duy trì cân nặng ổn định nhằm hỗ trợ sức khỏe xương. Không nên ăn uống tùy tiện, khiến cân nặng tăng nhanh sẽ gây áp lực cho hệ xương khớp
- Ngủ sớm và đủ giấc mỗi ngày
- Bổ sung đủ lượng nước cần thiết. Nước chính là dung môi đưa oxy và dinh dưỡng đi nuôi sống tế bào xương
- Có đời sống tinh thần vui vẻ, lành mạnh. Căng thẳng có thể khiến cơ thể lão hóa nhanh hơn, trong đó bao gồm lão hóa xương khớp.
Không nên tăng chiều cao bất chấp ở tuổi 30. Nếu bạn chấp nhận đánh đổi sức khỏe, tính mạng để tăng chiều cao, hãy cân nhắc lợi ích và nguy cơ thật kỹ lưỡng. Sức khỏe là thứ không thể tìm lại một khi đã mất. Các mẹo để cao thêm ở tuổi 30 mà Kết nối yêu thương giới thiệu sẽ giúp bạn tự tin hơn về ngoại hình. Hãy áp dụng mỗi ngày để công việc và cuộc sống nhé vui vẻ và thành công hơn.