Cách tăng cân cho người bị tiểu đường an toàn
Do ảnh hưởng sinh lý của bệnh nên người bị tiểu đường thường gặp phải thách thức lớn trong việc tăng cân. Vậy làm thế nào để cân bằng dinh dưỡng nhằm tăng cân hiệu quả mà vẫn có thể giữ đường huyết ở mức ổn định. Trong bài viết này, hãy cùng Kết nối yêu thương tìm hiểu các chiến lược tăng cân cho người bị tiểu đường an toàn và hiệu quả.
Tại sao người bị tiểu đường lại gầy đi?
Giảm cân nhanh chóng, không rõ nguyên nhân thường xuất hiện phổ biến ở những người bị tiểu đường loại 1 và một số ít loại 2. Do cơ thể không sử dụng hiệu quả hoặc không tạo đủ insulin để chuyển đường trong máu thành năng lượng.
Ở những người bị tiểu đường loại 1, cơ thể không sản xuất insulin. Khi này, cơ thể không thể chuyển đổi glucose thành năng lượng nên nó sẽ tiếp tục đốt cháy chất béo để cung cấp năng lượng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt cân nhanh chóng.
Ở những người bị tiểu đường loại 2, cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả và không thể vận chuyển glucose đến các tế bào mà nó tích tụ trong máu. Khi này, cơ thể cũng chuyển sang đốt cháy chất béo để cung cấp năng lượng, từ đó dẫn đến mất cân.
Không chỉ vậy, người bị tiểu đường còn có tỷ lệ mất nước và chất điện giải cao do tiểu nhiều và thường xuyên. Điều này cũng có thể dẫn đến mất cân nặng, đặc biệt là nếu người bệnh không bù nước và chất điện giải đầy đủ.
Ngoài ra, người bị tiểu đường thường phải kiểm soát chế độ ăn uống và theo dõi lượng carbohydrate và calo tiêu thụ hàng ngày. Nếu không kiểm soát tốt chế độ ăn, họ có thể ăn ít calo hơn cần thiết, dẫn đến mất cân nặng.
Người bị tiểu đường nên tăng cân khi nào?
Có 3 thời điểm mà người bị tiểu đường nên tăng cân, đó là khi cân nặng thấp hơn mức lý tưởng, quá gầy sau khi đã kiểm soát tiểu đường và sau khi đã ổn định sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình tăng cân cần được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Trường hợp 1: Người bị tiểu đường có cân nặng thấp hơn mức lý tưởng
Nếu người bị tiểu đường có cân nặng dưới mức lý tưởng, tăng cân là điều cần thiết để đạt được cân nặng khỏe mạnh. Tuy nhiên, quá trình tăng cân cần được tiến hành dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo đạt được cân nặng mục tiêu một cách an toàn và lành mạnh.
Trường hợp 2: Người bị tiểu đường quá gầy sau khi đã kiểm soát được bệnh
Một số người bị tiểu đường có thể đã trải qua quá trình mất cân do kiểm soát tiểu đường hoặc tác dụng phụ của thuốc. Khi đã kiểm soát được việc này, hãy bắt đầu áp dụng kế hoạch tăng cân để đạt được sự khỏe mạnh tuyệt đối.
Trường hợp 3: Sau khi sức khỏe đã ổn định
Nếu đã trải qua các vấn đề sức khỏe liên quan đến tiểu đường như suy thận, suy giảm chức năng gan hoặc suy giảm miễn dịch, việc tăng cân có thể giúp tăng cường sức khỏe và phục hồi cơ thể sau quá trình bị ảnh hưởng.
Bị tiểu đường cần đo BMI trước khi muốn tăng cân?
Đo chỉ số BMI (Body Mass Index – Chỉ số khối cơ thể) là một trong những bước khởi đầu để đánh giá cân nặng và xác định liệu người bệnh tiểu đường có cần tăng cân hay không. Tuy nhiên, đo chỉ số BMI chỉ là một phần trong quá trình đánh giá cơ bản về cân nặng và sức khỏe.
Ngoài chỉ số BMI, người bệnh tiểu đường còn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Họ sẽ xem xét các yếu tố khác nhau, bao gồm cân nặng hiện tại, chiều cao, tỷ lệ mỡ cơ thể, lượng cơ và tình trạng sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, các yếu tố như mục tiêu cá nhân, mức độ kiểm soát tiểu đường,… cũng cần được xem xét khi quyết định về việc tăng cân. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh xác định mục tiêu tăng cân phù hợp và đưa ra các phương pháp tăng cân an toàn và hiệu quả nhất.
Cách tăng cân cho người bị tiểu đường khoa học
Kết hợp đa dạng và có chọn lọc các thực phẩm
Khi bổ sung dinh dưỡng để tăng cân cho người bị tiểu đường, quan trọng nhất là duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh để kiểm soát mức đường huyết ổn định. Dưới đây là những lợi ý về chế độ dinh dưỡng để tăng cân an toàn cho người bị tiểu đường.
- Tăng lượng carbohydrate kiểm soát: Chọn các nguồn carbohydrate có chỉ số glycemic thấp như các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau quả tươi, đậu và các loại hạt.
- Tăng cường protein: Bổ sung thêm thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá, trứng, đậu, hạt và sữa không đường vào chế độ ăn hàng ngày. Lưu ý chọn các nguồn protein không béo hoặc thấp béo để duy trì sự kiểm soát cân nặng.
- Bổ sung chất béo lành mạnh: Chọn các nguồn chất béo tốt như dầu oliu, dầu hạnh nhân, hạt chia, hạt lanh và các loại cá chứa nhiều axit béo omega-3. Tránh chất béo bão hòa và chất béo trans có thể gây hại cho sức khỏe.
- Bổ sung chất xơ: Chất xơ giúp cải thiện hiệu quả làm việc của hệ tiêu hóa và duy trì sự cân bằng đường huyết. Bạn có thể tìm thấy chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau quả, đậu và trái cây.
Bên cạnh việc chọn lọc thực phẩm cần bổ sung hàng ngày, người bị tiểu đường cũng cần chú ý đến thói quen ăn uống. Dưới đây là 3 lưu ý quan trọng nhất để đảm bảo sức khỏe.
- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa lớn, hãy chia chúng thành 5 – 6 bữa nhỏ trong ngày. Điều này giúp duy trì mức đường huyết ổn định và tăng cân một cách hiệu quả.
- Uống đủ nước: Đảm bảo uống đủ nước trong ngày để duy trì sự cân bằng nước cơ thể. Nước giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, nhờ đó mà cơ thể hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.
- Kiểm soát lượng đường: Duy trì kiểm soát mức đường trong chế độ ăn uống rất quan trọng khi bị tiểu đường. Hạn chế tiêu thụ đường tinh khiết, đồ ngọt, đồ ăn nhanh và các sản phẩm có chứa đường cao.
Các bài tập vận động thích hợp cho người bị tiểu đường
Các bài tập vận động giúp tăng cân một cách lành mạnh và hỗ trợ quá trình kiểm soát tiểu đường hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được hướng dẫn hình thức vận động phù hợp và an toàn. Dưới đây là một số cách vận động cơ thể cho người bệnh tiểu đường.
- Tập cardio: Bao gồm các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội hoặc các lớp thể dục như aerobic. Nên bắt đầu từ mức độ phù hợp và tăng dần độ khó theo từng giai đoạn.
- Tập bài tập chịu lực: Hình thức tập luyện này giúp tăng cường sức mạnh các cơ. Nâng tạ, gánh tạ, tập luyện với máy tập hoặc các bài tập như squat, nâng đùi, nâng cơ bụng,… đều rất lý tưởng để tập luyện.
- Yoga: Cách vận động này không chỉ giúp người bị tiểu đường rèn luyện thể chất mà còn thư giãn tinh thần. Hãy chọn các lớp tập luyện phù hợp với độ tuổi để được hướng dẫn những bài tập có tác động chuyên sâu hơn.
- Rèn sức bền: Những bài tập như đi bộ nhanh, leo cầu thang, làm vườn hoặc nhảy dây có thể giúp tăng cường sức bền và sự dẻo dai. Đặt mục tiêu ít nhất 150 phút hoạt động vận động mỗi tuần.
- Hoạt động hàng ngày: Ngoài việc tập luyện, hãy cố gắng tích cực trong các hoạt động hàng ngày. Đi bộ nhanh, làm việc nhà, đi bộ xung quanh trong công việc và tham gia các hoạt động vận động hàng ngày khác có thể giúp đốt calo và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Bị tiểu đường có nên uống thực phẩm chức năng để tăng cân không?
Trước khi có ý định uống thực phẩm chức năng để tăng cân, người bệnh tiểu đường nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Một số thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ quá trình tăng cân, nhưng việc chọn đúng loại và liều lượng phù hợp là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Cần lưu ý rằng không phải tất cả các thực phẩm chức năng đều phù hợp cho người bị tiểu đường. Một số sản phẩm có chứa đường hoặc các thành phần có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết. Chính vì vậy, hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm và tìm hiểu về thành phần, hướng dẫn sử dụng và tác động của chúng lên cơ thể trước khi chọn mua.
Ngoài ra, việc tăng cân cho người bị tiểu đường cần sự kiểm soát đường huyết chặt chẽ. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ có khả năng đánh giá cơ bản về tình trạng sức khỏe, mức độ kiểm soát tiểu đường và mục tiêu tăng cân. Họ sẽ đề xuất các phương pháp bổ sung dinh dưỡng và ăn uống phù hợp với trạng thái tiểu đường của người bệnh.
Tăng cân khi bị tiểu đường cần lưu ý những gì?
Để tăng cân hiệu quả và an toàn, người bị tiểu đường cần lưu ý các vấn đề sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Trước khi tiến hành các thay đổi trong dinh dưỡng, vận động hay lối sống, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Với chuyên môn của mình, họ của thể giúp đánh giá và đưa ra những lựa chọn phù hợp.
- Kiểm soát mức đường huyết: Chú ý duy trì mức đường huyết ổn định trong suốt quá trình tăng cân. Việc này giúp điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý nhằm tối đa hiệu quả của các phương pháp điều trị khác.
- Theo dõi lượng calo: Tính toán lượng calo cần thiết để tăng cân dựa trên giới tính, tuổi, cân nặng, chiều cao và mức độ hoạt động. Tuy nhiên, hãy làm điều này dưới sự giám sát của chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo việc tăng cân an toàn và không gây ảnh hưởng đến mức đường huyết.
- Quản lý stress: Stress có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng cân và quản lý tiểu đường. Hãy tìm các phương pháp giảm stress như yoga, thiền và các hoạt động thư giãn khác để giảm căng thẳng và cải thiện tâm lý.
- Theo dõi và ghi chép: Ghi chép quá trình tăng cân và mức đường huyết giúp hiểu rõ hơn về tác động của chế độ ăn uống và tập luyện đối với cơ thể và điều chỉnh nếu cần.
- Kiên nhẫn và kiểm soát: Tăng cân là quá trình dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đừng mong đợi có kết quả nhanh chóng mà hãy tập trung vào việc duy trì một phong cách sống lành mạnh và cân bằng.
Và cuối cùng, hãy liên tục theo dõi sức khỏe và mức đường huyết thông qua các cuộc hẹn định kỳ với bác sĩ. Bằng cách theo dõi thường xuyên, người bệnh có thể nắm được tình trạng hiện tại và có những thay đổi thích hợp.
Có thể thấy, tăng cân cho người bị tiểu đường không phải là quá khó khăn. Tuy nhiên, chỉ khi xây dựng và kiên trì thực hiện một kế hoạch khoa học mới có thể đạt được hiệu quả. Quan trọng nhất, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành bất kỳ thay đổi nào trong lối sống, liều lượng thuốc điều trị để tăng cân hiệu quả mà vẫn an toàn.